Lụa tơ tằm là loại vải được dệt từ sợi tơ tằm tự nhiên. Quy trình sản xuất vải lụa tơ tằm tương đối cầu kì, vải phải được dệt hoàn toàn thủ công do đó yêu cầu người thực hiện phải có tính cẩn thận và tỉ mỉ cao.
Một tấm vải lụa tốt phải được đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất. Giống tằm nuôi để lấy tơ phải được chọn lọc, chăm sóc kĩ càng. Tằm có sinh trưởng tốt và khỏe mạnh mới cho ra các sợi tơ dẻo dai, óng đẹp. Kén tằm cần được thu hoạch đúng thời điểm. Quá trình kéo tơ và dệt sợi cần được thực hiện thủ công, được xử lí cẩn thận, khéo léo. Trong bài viết này, hãy cùng SilkyVietnam tìm hiểu quy trình sản xuất vải lụa tơ tằm diễn ra như thế nào nhé.
Nguồn gốc lụa tơ tằm
Trước khi đi vào tìm hiểu quy trình sản xuất vải lụa tơ tằm, hãy cùng xem loại vải cao cấp này có nguồn gốc từ đâu nhé.
Nghề ươm tơ dệt lụa bắt nguồn từ Trung Quốc. Trải qua nhiều năm lịch sử, đây vẫn được coi là một mặt hàng cao cấp. Lụa tơ tằm được yêu thích bởi tính thẩm mỹ, sự dễ chịu và và tính bền chắc. Hiện nay, nhiều quốc gia cũng nổi tiếng với nghề lụa như: Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc,…
Nghề dệt lụa tơ tằm được phát hiện lần đầu tại Trung Quốc. Thời điểm sớm nhất phát hiện vào khoảng những năm 6000 TCN. Tuy nhiên những bằng chứng chắc chắn chỉ được phát hiện vào khoảng những năm 3000 TCN. Người Trung Quốc xưa mê đắm vẻ đẹp của thứ vải tơ tằm óng ả, mịn màng. Loại vải này sớm trở thành mặt hàng được ưa chuộng, chuyên sử dụng cho vua chúa, quan lại xưa.
Những thương nhân người Hoa đi tới đâu, thứ vải thượng hạng này lại để lại tiếng vang tới đó. Các vị vua Trung Hoa xưa luôn cố giữ bí mật nghề nuôi tằm nhằm chiếm thế độc quyền. Tuy vậy, bí quyết này đã rơi vào tay người Triều Tiên vào khoảng năm 200 TCN. Vào nửa đầu TK 1 CN, người Khotan cổ cũng biết kĩ thuật nuôi tằm, người Ấn biết đến vào năm 300 CN.
Tại Việt Nam, ươm tơ dệt lụa có thể xem là một trong những bản sắc văn hóa lâu đời. Theo các tài liệu lịch sử ghi chép, lụa tơ tằm đã có từ thời Hùng Vương thứ 6 ( khoảng hơn 4000 năm về trước) do công chúa Thiều Hoa khởi nghiệp. Đến nay, bà vẫn được dân làng theo nghề dệt lụa thờ làm tổ nghề để tưởng nhớ công ơn. Loại vải này ngày càng được phổ biến đến khắp các vùng miền. Những làng nghề truyền thống cũng từ đó dược hình thành.
Quy trình sản xuất lụa tơ tằm diễn ra như thế nào?
Để sản xuất lụa tơ tằm đạt chất lượng, người thợ cần trải qua nhiều bước khổ công cần mẫn từ giai đoạn nuôi tằm, thu hoạch kén, ươm tơ, dệt lụa, nhuộm màu và trang trí.
1. Giai đoạn nuôi tằm
Tằm là một loại sâu bướm chuyên ăn lá dâu. Trong quá trình trưởng thành, loại sâu này sẽ nhả tơ để tạo kén hóa nhộng. Những sợi tơ tằm nhỏ bé, dẻo dai là loại sợi tự nhiên tốt nhất. Đây còn là nguyên liệu chuyên dùng để dệt lụa, sản xuất thời trang hoặc làm áo chống đạn. Do tơ có đặc tính đặc biệt nên tằm được nhân giống và sử dụng từ hàng nghìn năm. Người xưa đặt tên riêng cho giống sâu này cũng để phân biệt chúng với các loài sâu ăn hại khác.
Dâu nuôi tằm nên trồng ở những vùng đất ôn hòa, không bị ô nhiễm. Quá trình nuôi trồng không sử dụng phân bón hóa học và các hóa chất khác.
23 – 25 ngày là khoảng thời gian tằm được nuôi bằng lá dâu bắt đầu nhả tơ. Do cần tích trữ năng lượng cho quá trình tạo kén, sức ăn của tằm rất khỏe. Lượng lá dâu cần cung cấp trong suốt quá trình nuôi tương đối lớn. Quá trình này được chia nhỏ thành các giai đoạn khác nhau, trong đó dễ nhận biết nhất là giai đoạn “ăn rỗi”. Trong thời điểm này, sức ăn của tằm là lớn nhất, nhanh nhất, sau đó tằm sẽ ngừng ăn và bắt đầu nhả tơ đóng kén. Nhiều người thường nghe ông bà ví von “Ăn như tằm ăn rỗi” cũng là vì vậy.
2. Giai đoạn tằm nhả tơ tạo kén
Cũng như các loài sâu bướm khác, trong giai đoạn này, tằm sẽ tìm cho mình một nơi khô ráo và thoáng mát để nhả tơ tạo kén.
Người nông dân nuôi tằm lâu năm sẽ xác định được thời điểm kết thúc giai đoạn ăn “rỗi” để bắt đầu nhả tơ. Cách lấy tơ tằm hiệu quả là đặt những con tằm lên từng chiếc né riêng. Trong vòng 48 giờ, tằm sẽ liên tục nhả tơ quanh mình và cuộn tròn trong đó. Quá trình đóng kén hóa nhộng này diễn ra trong khoảng 7 ngày, chiều dài lượng tơ tằm nhả ra có thể lên đến 1 kilomet. Tằm sau khi nhả tơ xong sẽ nằm yên để hóa nhộng. Đây cũng là thời điểm thích hợp để thu hoạch kén tằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo – ươm tơ.
3. Giai đoạn ươm tơ
Ươm tơ là quá trình tách những sợi tơ ra khỏi kén để tiến hành se sợi. Giai đoạn này là thời điểm cần ước lượng thời gian kỹ lưỡng nhất trong cả quy trình sản xuất. Do thời gian đóng kén hóa nhộng chỉ kéo dài khoảng 1 tuần nên quá trình ươm tơ chỉ nên diễn ra trong vỏn vẹn 5 ngày. Nếu quá 5 ngày, kể từ khi con tằm kết thúc nhả tơ mà kén tằm vẫn chưa được xử lí xong, nhông sẽ biến thành con ngài, con ngài cắn kén chui ra khiến tơ bị đứt, kén tơ đó coi như không còn tác dụng.
Đầu tiên, người dệt lụa sẽ ngâm kén tằm bằng nước nóng để loại bỏ bớt chất keo tự nhiên có tác dụng gắn kết các sợi thành kén trong tơ tằm. Kén tằm sau khi được ngâm sẽ được tách tơ và se thành các sợi chỉ. Thông thường, 10 sợi mối tơ từ 10 kén tằm sẽ được chập một xoắn lại tạo nên một sợi chỉ tơ bền chắc. Đâu chính là tơ tằm đã sẵn sàng cho quá trình dệt lụa.
4. Giai đoạn dệt lụa
Dệt là khâu quan trọng quyết định chất lượng của vải. Những sợi chỉ tơ sẽ được đan dệt thủ công khéo léo tạo thành lụa. Tùy vào mật độ các sợi tơ, lụa thành phẩm sẽ có độ dày và chất lượng khác nhau. Công nghệ dệt thay đổi sẽ tạo ra các loại lụa khác nhau như: Satin, twill, gấm Jacquard… Bên cạnh đó, sợi tơ tằm còn được kết hợp cùng các sợi khác, tạo thành các dòng vải lụa khác nhau như: lụa linen, lụa cotton, lụa đũi…
Hiện nay, máy móc và công nghệ đã được ứng dụng vào quy trình dệt lụa tơ tằm giúp dệt lụa nhanh và ít lỗi hơn. Tuy nhiên, vải dệt thủ công vẫn được ưa chuộng do mang những nét riêng vô cùng đặc biệt mà mà máy móc không thể bắt chước. Bên cạnh đó, vải dệt thủ công cũng thể hiện kĩ thuật và trình độ của người dệt lụa. Người nghệ nhân càng có thâm niên càng tích lũy được kinh nghiệm. Do đó, những tấm vải họ dệt càng tinh xảo và độc đáo hơn.
5. Giai đoạn nhuộm màu
Lụa khi mới dệt xong mang màu sắc tự nhiên của tơ tằm là trắng ngà hoặc vàng nhạt. Lúc này, lụa vẫn còn thô cứng do lớp keo sericin còn dư sau quá trình ươm tơ. Lụa sẽ được chần lại qua nước nóng để loại bỏ hoàn toàn lớp keo. Sau đó người thợ mới bắt đầu quy trình nhuộm vải.
Trước đây, quy trình nhuộm vải tơ tằm tại các làng nghề truyền thống sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên như các loại vỏ cây, lá cây và rau củ như: mặc nưa, củ nâu, vỏ cây vang,… Hiện nay, các loại phẩm màu công nghiệp giúp lụa có nhiều màu sắc và bắt mắt hơn. Tuy nhiên vải lụa nhuộm tự nhiên truyền thống vẫn giữ vị trí vô cùng đặc biệt. Không chỉ vậy, lụa nhuộm tự nhiên còn thân thiện với thiên nhiên và làn da người sử dụng.
Cách làm lụa tơ tằm phức tạp, yêu cầu nhiều công sức nên giá thành vải cũng khá cao. Người tiêu dùng không nên ham rẻ, tránh nhầm lẫn, mất tiền oan vào những sản phẩm kém chất lượng.
Trên đây là quy trình sản xuất vải lụa tơ tằm tự nhiên – loại vải thượng hạng được ưa chuộng và sử dụng nhiều trong thời trang, may mặc và trang trí nội thất. Bạn đọc cũng có thể tìm hiểu thêm những thông tin bổ ích khác về lụa tơ tằm tại website của SilkyVietnam hoặc tới trực tiếp cửa hàng Silky để trải nghiệm và đặt mua những sản phẩm cao cấp 100% tơ tằm.