Tìm hiểu về các làng nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam

Ngành tơ lụa đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm. Việt Nam tuy không phải một đế chế trên con đường phát triển tơ lụa. Song Việt Nam vẫn có lịch sử phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm lâu đời. Chất lượng vải lụa Việt Nam cao cấp được thế giới công nhận. Hiện nay, Việt Nam vẫn tồn tại các làng nghề dệt lụa truyền thống có tuổi đời hàng nghìn năm như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)… Đặc biệt là Bảo Lộc (Lâm Đồng) – thủ phủ tơ lụa của Việt Nam.

Lịch sử tơ lụa Việt Nam

Từ xa xưa, lụa tơ tằm đã được xem là một mặt hàng cao cấp, xa xỉ. Đây là biểu tượng cho quyền lực, địa vị của giới vua chúa và quý tộc xưa. Lụa tơ tằm được ưa chuộng bởi độ thẩm mỹ cao, bề mặt mềm mại, óng mượt. Thậm chí có thời kì, giá của chúng được đẩy lên cao hơn cả vàng. Lụa được sử dụng như một đơn vị tiền tệ trong việc mua bán trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia trên con đường tơ lụa của thế giới.

Tại Việt Nam, nghề trồng dâu nuôi tằm đã được hình thành từ hàng ngàn năm. Vào thời Hùng Vương, con người đã biết vận dụng các kĩ thuật dệt vải khác nhau dệt nên các loại lụa với đa dạng màu sắc và tính chất riêng biệt. Một số loại lụa phổ biến có thể kể đến như: Trừu – lụa thô sợi to, the – lụa nhẹ sáng màu, sa – lụa mỏng, trơn, lượt – lụa thưa trơn, xuyên – lụa trơn dày sáng màu, nhiễu – lụa trơn dày và bền, lãnh – lụa đen trơn dày, vóc – lụa bóng mịn dệt hoa, văn – lụa dày dệt hoa lớn, gấm, đoạn,…

Tơ lụa Việt Nam nổi tiếng óng mượt, mềm mại và bền đẹp  không thua gì các xứ sở tơ lụa trên thế giới. Đến nay một số làng nghề vẫn còn phát huy nghề dệt truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Các làng nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam

Nghề dệt lụa truyền thống đến nay vẫn được phát huy và gìn giữ như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Một số làng cổ trồng dâu nuôi tằm nức tiếng gần xa có thể kể đến như

Làng lụa Cổ đô

Xưa kia, ở miền Bắc, lụa Cổ Đô được mệnh danh là lụa cống, tức là lụa thượng hạng dùng làm  cống phẩm dâng cho triều đình. 

các làng nghề dệt lụa truyền thống
Một góc đường làng Cổ Đô (nguồn VOV)

Cổ Đô nằm bên bờ sông Đà. Đây là một làng cổ thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây xưa. Lụa Cổ Đô vốn nổi tiếng được dùng để tiến vua. Nghề dệt lụa ở đây gắn liền với giai thoại về bà tổ nghề là Công chúa Thiều Hoa con Vua Hùng Vương thứ 6. Công chúa Thiều Hoa dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Cứ thế, ngày qua ngày, nghề dệt nơi đây phát triển không ngừng với chất lượng tuyệt hảo. Lụa Cổ Đô tiến lua đã trở thành sản vật đi vào ca dao muôn đời. Tuy nhiên, nghề dệt lụa tơ tằm tại làng Cổ Đô hiện nay đã bị thất truyền. 

Làng lụa Vạn Phúc 

Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông nổi danh gần xa nằm ngay bên bờ sông Nhuệ được xem là cái nôi của nghề dệt lụa với lịch sử làng nghề lên tới hàng ngàn năm. Vào thời nhà Nguyễn, lụa nơi đây chuyên được dùng để may y phục cho vua chúa, quan lại triều đình. Các bậc quý tộc và tầng lớp thượng lưu xưa cũng dùng lụa Vạn Phúc để thể hiện quyền lực và sự giàu có. Hiện nay, các  sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn được nhiều người yêu thích. Lụa Vạn Phúc được ưu ái bởi mẫu mã đa dạng, và hàm lượng tơ cao. Không chỉ vậy, đây còn là một điểm đến tham quan, lưu giữ nét đẹp văn hóa xưa của một làng cổ đất kinh kỳ.  

các làng nghề dệt lụa truyền thống
Làng lụa Vạn Phúc (nguồn Tạp chí Kinh tế và Dự báo)

Lụa Vạn Phúc “mịn mặt, mát tay” đã đi vào thơ ca lịch sử. Vào thời Pháp thuộc, người Pháp đã phải công nhận lụa Vạn Phúc là loại lụa tinh xảo nhất Đông Dương. Những năm 1931 và 1932, lụa Vạn Phúc còn được chọn để tham dự tại các hội chợ lớn tại Pháp.

Làng lụa Phùng Xá

Giống như Vạn Phúc, lụa Phùng Xá cũng nức tiếng gần xa với thứ lụa mịn màng. Làng Phùng Xá thuộc huyện Mỹ Đức – Hà Nội là một trong các làng nghề dệt lụa truyền thống lâu đời, nổi danh với nghề “canh cửi”. Không chỉ vậy, làng lụa Phùng Xá luôn theo sát sự phát triển của thị trường, đón nhận những điểm mới. hiện nay, tại làng nghề xuất hiện lớp nghệ nhân mới sáng tạo và năng động. Họ là những nhân tố quan trọng giúp phát huy và đưa nghề dệt lụa tơ tằm lên một tầm cao mới.

Năm 2017, một nghệ nhân tại làng lụa Phùng Xá đã nghiên cứu phương pháp dệt lụa từ tơ sen. Đây được coi là một bước đột phá đánh dấu sự phát triển và dấu mốc vàng son của làng lụa Phùng xá nói riêng và các làng lụa tơ tằm Việt Nam nói chung. 

Làng lụa Cổ Chất

Làng lụa Cổ Chất ít nổi danh hơn Phùng Xá, Vạn Phúc hay Cổ Đô. Tuy nhiên nơi đây cũng được biết đến với lịch sử lâu đời. Kỹ thuật dệt độc đáo nơi đây làm nên thứ lụa cao cấp, thượng hạng. Lụa Cổ Chất  (Ninh Bình) được mệnh danh là lụa đẹp nhất thành Nam. Vào thời Pháp thuộc, giới tư bản thậm chí đã xây cả nhà máy ươm tơ để khai thác các lao động lành nghề cùng tiềm năng nơi đây. 

Ngày nay, tới làng Cổ Chất tham quan, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những bó tơ trắng, vàng óng ả. Mỗi gia đình ở đây được ví như một lò ươm tơ. Hình ảnh các bà, các chị làm việc miệt mà, khói bếp lan nghi ngút, tơ tằm từng bó óng ả đã trở thành hình ảnh quen thuộc tạo nên thương hiệu nơi đây. 

Làng lụa Nha Xá

Làng lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên – Hà Nam) có tuổi đời gần 600 tuổi. Hiện nay, toàn thôn có khoảng 400 máy dệt, trong đó có 11 máy dệt công nghiệp, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm tơ lụa khác nhau.

Để có 1 tấm lụa Nha Xá đẹp, Tơ tằm phải được quay tay rồi mới đưa vào máy dệt. Mỗi công đoạn đều được thực hiện tỉ mỉ, chuyên tâm bởi người thợ dày dặn kinh nghiệm. 

các làng nghề dệt lụa truyền thống
Làng lụa Nha Xá ( nguồn Tạp chí Kinh tế và Dự báo)

Làng lụa Mã Châu 

Làng lụa Mã Châu thuộc miền Trung Việt Nam. Xưa kia, thương cảng Hội An nhộn nhịp với nhiều thuyền buôn ngoại quốc. Các mặt hàng tại đây vô cùng đa dạng. Nổi bật trong số đó là gốm sứ và lụa tơ tằm. Do đó, nơi đây cũng phát triển nghề dệt lụa từ sớm.

Làng lụa Mã Châu thuộc thôn Châu Hiệp, Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam. Đây cũng là một trong số những làng lụa truyền thống lâu đời của Việt Nam. Vào thế kỷ 15, Mã Châu chuyên cung cấp lụa cho giới quan lại và quý tộc. Cuối thế kỉ 19, nơi đây phát triển thêm nghề trồng bông dệt vải. Lâu dần, kĩ thuật và công nghệ đã được áp dụng vào sản xuất. Đến nay, Mã Châu được công nhận là 1 trong 18 làng nghề nổi tiếng của Việt Nam. 

Làng lụa Bảo Lộc 

Thật là thiếu sót nếu nói đến các làng lụa tơ tằm Việt Nam mà không nhắc tới Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đây được xem là “Thủ phủ tơ tằm” của Việt Nam.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc ra đời muộn hơn so với các làng lụa khác. Tuy nhiên lụa Bảo Lộc lại phát triển vô cùng mạnh mẽ. Sản lượng tơ Bảo Lộc chiếm khoảng 70% cả nước. Nghề trồng dâu nuôi tằm tại Bảo Lộc phát triển với quy mô và tốc độ nhanh chóng. Quy trình tại đây gần như khép kín từ trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa, nhuộm màu,…

các làng nghề dệt lụa truyền thống
Làng lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng)

Khí hậu Lâm Đồng được đánh giá là vùng đất thuận lợi để sản xuất và phát triển ngành lụa. Hiện nay, toàn địa phương có diện tích trồng dâu và số lượng công nhân làm nghề cũng như các nhà máy dệt lụa lớn nhất cả nước. Thành phố Bảo Lộc có khoảng 500ha dâu tằm cho sản lượng trung bình khoảng 5.000 tấn/năm. Ngoài tơ thô, tơ sống, tơ tằm Bảo Lộc còn được dùng để sản xuất các dòng lụa cao cấp. Một số loại lụa phổ biến, được yêu thích như satin, jacquard, habutai, yozu,…  Tơ lụa Bảo Lộc được ưa chuộng và được nhiều thương hiệu thời trang tin tưởng lựa chọn. Ngoài ra, lụa Bảo Lộc còn được công nhận và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Có thể thấy, những làng nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam đang ngày ngày giữ gìn, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về những làng lụa tơ tằm Việt Nam. Để đặt mua các sản phẩm từ lụa tơ tằm cao cấp, đặc biệt là lụa tơ tằm Bảo Lộc – Thủ phủ tơ tằm Việt Nam, mời bạn xem thêm các sản phẩm trong bộ sưu tập SilkyVietnam Collection. 

0
YOUR CART
  • Không có sản phẩm trong giỏ hàng