Áo dài lụa từ lâu đã trở thành nét đẹp gắn liền với người con gái Việt Nam. Tuy nhiên chất liệu lụa là đỏng đảnh lại rất kén việc vệ sinh và giặt giũ. Vậy phải bảo quản áo dài lụa làm sao cho đúng cách, bền đẹp? Hãy cùng SilkyVietnam tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé
Vải lụa là gì?
Silk là loại vải được dệt từ tơ của các loại côn trùng: tằm, nhện, bướm hoặc các loài thực vật như tre, sen,… Lụa đem tới cho người mặc cảm giác mềm mại, thoải mái. Đặc trưng bởi sự thoáng mát và sang trọng, vải lụa cũng được rất nhiều chị em yêu thích. Tuy nhiên, vải lụa tơ tằm thường có giá khá cao. Nguyên nhân là do sự khan hiếm, tính cầu kì trong sản xuất và bảo quản.
Loại vải lụa tốt nhất được dệt từ sợi tơ của kén tằm và có giá khá cao. Lụa tơ tằm mang đến cảm giác mềm mại, mát dịu. Tiết diện của sợi tơ có hình tam giác, dễ dàng phản chiếu ánh sáng. Do vậy những trang phục từ lụa tơ tằm thường ánh lên dưới nắng rất thu hút và bắt mắt. Bên cạnh đó, độ rủ tự nhiên của tơ tằm giúp trang phục lên dáng lên hình rất sang trọng và quý phái, đặc biệt là áo dài lụa.
Ưu và nhược điểm khi may áo dài bằng vải lụa
Ưu điểm của vải lụa
Vải lụa là loại vải rất phù hợp để may áo dài. Áo dài lụa sang trọng, quý phái và được yêu thích bởi nhiều ưu điểm như:
- Mềm mịn, thoáng mát. Chất lụa mềm, bề mặt bóng mịn nên khi may áo dài dù vừa khít cũng không sợ hầm bí hay khó chịu cho da. Tơ tằm đem lại cảm giác dễ chịu, giúp không khí được lưu thông tự nhiên giúp cơ thể luôn khô thoáng, giảm thiểu mùi cơ thể gây ra bởi mồ hôi.
- Phù hợp mọi loại thời tiết: Lụa tơ tằm ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Lụa có khả năng thấm hút tốt, thông thoáng giảm mồ hôi. Vào mùa đông, chất tơ tự nhiên cùng mặt vải bóng mịn đủ sức ngăn gió và giữ nhiệt rất tốt.
- Độ bền cao: Sợi tơ lụa tự nhiên có độ bền cao hơn sợi bông, đặc biệt là tơ được làm từ kén tằm. Tơ tằm được đánh giá là một trong những loại tơ bền, chắc nhất. Bên cạnh đó, lụa tơ tằm nếu được bảo quản tốt có thể dùng được rất lâu. Chất lụa càng dùng càng đẹp, càng là càng bóng loáng.
- Thân thiện với làn da và môi trường: Do có nguồn gốc thiên nhiên, vải lụa giảm thiểu tối đa ma xát trên da đồng thời không gây kích ứng, Đây là lựa chọn thông minh để yêu chiều làn da nhạy cảm, nhất là da trẻ em. Bên cạnh đó, tơ tằm có khả năng phân hủy sinh học nên khi bị bỏ đi cũng không gây ô nhiễm môi trường.
Nhược điểm của vải lụa
- Dễ sờn, rách: Vải lụa rất dễ bị sờn khi bị ma xát hay gặp vật sắc nhọn. Do đó, người mặc cần cẩn thận hơn trong quá trình sử dụng và bảo quản, tránh tiếp xúc với những bề mặt thô ráp, vật sắc nhọn gây rách, xước lụa.
- Dễ ngả màu. Vải lụa cũng dễ bị đổi màu khi tiếp xúc nhiều với mồ hôi hoặc các chất làm thơm, lăn khử mùi, keo tạo mẫu tóc,… Do đó, người sử dụng khi mặc lụa cần hạn chế những sản phẩm chứa hương liệu, ưu tiên tinh dầu tự nhiên. Sau khi sử dụng nên giặt sấy cẩn thận hoặc treo nơi thoáng mát.
- Dễ nhăn, nhàu: Vải lụa với thành phần tơ tự nhiên cũng rất dễ nhàu. Vải lụa khi nhàu cần được là phẳng bằng bàn ủi hơi nước để tránh hư hại chất lụa. Ngoài ra quá trình bảo quản cũng cần lưu ý tránh nơi ẩm mốc, nơi dễ tiếp xúc với mối mọt do thành phần tự nhiên dễ bị tấn công bởi côn trùng, nấm mốc.
Cách bảo quản áo dài lụa
Điều cơ bản trong việc bảo quản áo dài là cần giặt ngay sau khi vừa sử dụng xong. Đặc biệt, chất liệu tơ lụa dễ hình thành đốm thâm vàng trên áo nếu không được làm sạch nên chị em cần đặc biệt lưu ý.
Ngoài ra, nên giặt tay áo dài lụa để vừa sạch vải vừa đảm bảo không bị ma xát quá nhiều gây sờn, xước hay bai nhão. Để áo dài lụa luôn bền đẹp chị em có thể cân nhắc những lưu ý nhỏ như sau:
Xử lý trước khi giặt
Nếu áo dài không may bị dính những vết bẩn cứng đầu như: dầu mỡ, bùn đất,… bạn không nên dùng bàn chải, bàn chà hay vò thật mạnh. Để tẩy sạch những vết bẩn này, bạn có thể làm theo những gợi ý sau:
- Dùng chanh tươi: Lấy nửa quả chanh chà nhẹ lên các vết bẩn cứng đầu hoặc vết ố lụa sau đó rửa sạch lại với nước và xà phòng loãng.
- Dùng kem đánh răng: Lấy một ít kem đánh răng, tốt nhất là kem không màu sau đó xoa lên bề mặt vải bị ố vàng. Để yên kem đánh răng trên vải trong 10 phút sau đó giặt bình thường.
Giặt lụa đúng cách
- Lựa chọn nước giặt dịu nhẹ: Khi giặt đồ lụa, bạn nên sử dụng dung dịch có chất tẩy nhẹ hoặc sử dụng dầu gội, sữa tắm. Tuyệt đối không sử dụng những chất tẩy mạnh hoặc chất làm trắng để giặt áo dài lụa. Những chất tẩy rửa mạnh có tính ăn mòn cao dễ làm sờn vải, phai màu, thậm chí ố, rách lụa. Đặc biêt, áo dài thường được làm từ loại vải mỏng nhẹ nên càng dễ bị hư hại, nhanh cũ, sờn khi giặt với hóa chất tẩy mạnh.
- Pha loãng nước giặt: Bạn nên pha loãng bột giặt, nước giặt hoặc các dung dịch dịu nhẹ như sữa tắm, dầu gội với nước để giặt áo dài. Không nên đổ trực tiếp lên vải áo dài vì dễ gây phai màu và giòn vải.
- Nhiệt độ phù hợp: Tùy vào loại vải áo dài nhiệt độ nước giặt cũng nên được điều chỉnh khác nhau. Một số loại vải đặc biệt như vải gấm vải lụa nên được giặt với nước ấm nhẹ. Nhiệt độ quá cao, quá thấp cũng dễ gây co vải, mất độ bóng của lụa.
Phơi áo dài đúng cách
Áo dài cần được phơi phẳng phiu, phơi ngang, vắt qua móc.Ngoài ra nên phơi tại những nơi râm mát, thoáng khí và tránh ánh nắng trực tiếp. Một số lưu ý cho chị em khi phơi lụa có thể kể đến như:
- Phơi ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Phơi vải dưới nắng mặt trời khiến vải bị khô cứng, phai màu và co rút lụa. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nước làm mềm vải để áo dài khi phơi mềm mại và phẳng phiu hơn.
- Tránh những nơi có nhiệt độ quá cao để hạn chế tình trạng khô cứng vải khiến sợi tơ nhanh cũ, mất độ bóng. Bên cạnh đó nếu sử dụng chế độ sấy của máy giặt, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ ở mức thấp.
Trên đây là vài mẹo nhỏ giúp bạn bảo quản áo dài lụa bền đẹp như mới. Bạn có thể chọn mua áo dài lụa với chất vải bền đẹp chuẩn 6A tại website của SilkyVietnam.